Cuộc đời Đinh_Văn_Chất

Ông làm Tri phủ Nghĩa Hưng có tiếng liêm cán, được thưởng Kim Khánh vàng đỏ trên khắc 4 chữ " Liêm Bình Cần Cán".

Khi quân Pháp đến xâm lăng, thành Nam Định mất nhưng phủ Nghĩa Hưng Pháp không hạ được. Khi Triều đình nhà Nguyễn theo Pháp, ông bỏ quan về quê chiêu lập nghĩa binh chống Pháp, lập căn cứ vùng Thạch Bàn. Nhiều văn thân tham gia tích cực với Ông trong đó có lãnh binh Ngô Quảng, Đặng thọ Ngợi...Tháng 8 năm 1885 quân Pháp đổ bộ vào Cửa Hội, các quan Nam Triều không chống cự mà còn kéo nhau xuống đón chúng vào Thành rồi cùng bọn chúng tiến quân tiêu diệt căn cứ khởi nghĩa của Đinh văn Chất. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ông, nghĩa quân đã chiến đấu quyết liệt với bọn chúng trên phía hữu ngạn sông Lam. Vì không cân sức cuộc khởi nghĩa thất bại. Đinh văn Chất bị chặt đầu bêu xác. Thân sĩ nghĩa quân và con cháu Ông số bị sát hại số bị cầm tù.

Trên trang Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh có một thông tin như sau:

Khi thực dân Pháp xâm lược nước Việt, cả Nghệ Tĩnh dấy lên phong trào chống Pháp. Lúc đó, các chí sĩ như Tiến sĩ Đinh Văn Chất, Ngô Quảng, Đặng Thọ Ngợi đã chọn địa điểm, tập hợp quân sĩ. Và ngôi đình Chợ Xâm (nay thuộc xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) là nơi ông Chất cùng các sĩ phu đàm đạo thơ văn và bàn định thời cuộc, kêu gọi mọi người theo hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi chống Pháp [1]...

Kể về Đinh Văn Chất, trong Việt Nam vong quốc sử của nhà chí sĩ Phan Bội Châu cũng có đoạn:

Đinh Văn Chất, người Nghệ An, ứng chiếu (Cần Vương) khởi nghĩa. Quân thua (ông) bị bắt, (bị) người Pháp giết chết bêu cả thây, thây rữa ra, học trò xin thu về chôn, người Pháp chỉ cho thây, còn đầu thì chặt lấy và đem đốt...Cha và em ông đều đã chết vì quốc nạn. Hai con trai, hai cháu gọi bằng bác, một gái tuổi còn nhỏ, đều bị người Pháp giết cả.Ông Đinh trước xuất thân tiến sĩ, làm quan ở Nghĩa Hưng, rất được lòng quân dân, đánh nhau với quân Pháp thường thắng luôn. Thành Nam Định mất, phủ Nghĩa Hung vẫn không hạ được, nên Chất bị hình phạt thảm khốc như thế...[2]Bia tiến sĩ tên Ông tại Văn Thánh Huế bị Triều đình theo Pháp thời đấy đục tên xóa bỏ, tuy nhiên cảm phục nghĩa khí của Ông, các học trò đưa Ông về " Vườn lớn Ông La" an táng. Ngày nay hậu duệ của Ông đã tôn tạo mộ phần Ông tại Nghĩa Trang xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An và lập bia để đời đời nhớ ơn công đức.

Thành phố Vinh có một con đường mang tên Đinh Văn Chất và tên Ông được lưu danh trên bảng vàng Tiến sĩ tại Ngọ Môn Thành phố Huế.